Thầy sinh ra và lớn lên ở vùng đồng quê chiêm trũng của thành phố Việt Trì - thành phố công nghiệp trẻ tuổi, nơi hội tụ của ba con sông. Tuổi thơ của thầy gắn liền với lũ trẻ chăn trâu, bơi lội thả mình trong đầm sen của hợp tác xã. Làng thầy ở còn có một tên khác gọi là Làng Cò; cả làng từ cây to, cây nhỏ chỗ nào cũng chỉ thấy toàn cò là cò, các loại cò đủ màu sắc. Chiến tranh bom Mỹ dội xuống nhà máy điện, nhà máy giấy, ga Phủ Đức và các trục đường giao thông như thế mà lũ cò vẫn bám trụ, tới năm 1972 khi chiến tranh bom đạn nhiều hơn thì lũ cò thưa dần và đi biệt hẳn.
Gia đình thầy đông anh em, tuy vất vả nhưng đầy niềm vui với những năm tháng cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phú), tháng 9/1981, thầy và các bạn lớp sư phạm cùng một số thầy cô đi học tại chức được điều động lên vùng núi Thanh Sơn công tác. Ngày nhận quyết định về các trường, người ở gần thì hồ hởi, người đi xa, nhất là các cô giáo cứ ngồi khóc tu tu như lũ trẻ. Thầy được lên Vinh Tiền - địa danh mà mỗi khi nhắc tới ai cũng ớn lạnh bởi xa xôi, khó khăn và sốt rét. Sau những năm tháng rèn luyện trong khó khăn, thầy được cử đi học lớp trung cấp hoàn chỉnh và được phân công phụ trách lớp. Thầy kể: “Đó là lớp giáo sinh “tò te” vừa nhập trường. Một mình một đường, cứ hỏi qua mấy con suối người đi đường chỉ mãi rồi cũng đến trường sau một ngày rưỡi đi bộ. Thầy không sợ khó khăn nhưng cái lo nhất là sốt rét, mặc dù có thuốc phòng nhưng cũng không tránh khỏi”.
Gọi là trường nhưng chỉ là khu lẻ với 2 lớp nhà lợp lá cọ, chỏng chơ mấy bộ bàn ghế, các thầy giáo ở trọ nhà dân. Trường có 6 thầy giáo ở miền xuôi lên, được chia ở 3 khu với toàn trường có 40 học sinh, các khu đều phân đủ các lớp nhưng là lớp ghép mỗi lớp chỉ có 4 - 5 em học sinh. Các thầy giáo dạy các em học tiếng Kinh và biết đọc, biết viết, biết làm 4 phép tính và nhiệm vụ quan trọng là phải giữ được sỹ số học sinh, giữ trường, giữ lớp. Sau 2 năm ra trường, thầy được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý phụ trách trường; đến năm 1988, thầy vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng .
Thời gian cứ trôi đi, thầy xây dựng gia đình với cô công nhân lâm nghiệp. Năm 1993, vì điều kiện gia đình, thầy đưa vợ con chuyển về lại Làng Cò (thành phố Việt Trì) sinh sống, còn thầy tình nguyện ở lại dạy chữ cho các em. Năm 1994, thầy chuyển về Trường Phổ thông cơ sở Văn Miếu. 13 năm cùng với các thầy cô giáo của Văn Miếu bền bỉ, khắc phục khó khăn cùng với sự đầu tư của Nhà nước và các chương trình mục tiêu, trường đã có đủ bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS. Các bậc học ở xã Vinh Tiền cũng đã được xây dựng khang trang, đủ điều kiện đáp ứng với yêu cầu dạy học.
Năm 1999, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Cự Thắng. Năm 2001, khởi đầu từ bãi đất trắng, thầy cùng với bà con nhân dân bắt tay vào xây dựng cơ sở ban đầu cho Trường THCS Cự Thắng. Sau hơn 1 tháng, khu trường xây mới được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học mới
Giữa năm 2007, thầy chuyển về công tác tại Trường THCS Thắng Sơn - một đơn vị mới được tách ra từ trường Phổ thông cơ sở, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh, sự đoàn kết vượt khó của các thầy cô trong đơn vị, cơ sở vật chất nhà trường đã được củng cố; chất lượng học sinh được nâng lên, nhiều năm liền nhà trường có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhà trường đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc. Chi bộ nhà trường luôn đạt trong sạch vững mạnh; đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn trở lên; cơ sở vật chất đảm bảo cho dạy và học một ca; môi trường giáo dục luôn xanh - sạch - đẹp, thoáng mát, thân thiện…
Gần 40 năm gắn bó nghề, hơn 30 năm làm công tác quản lí giáo dục với bao kỷ niệm cùng các đồng nghiệp, bạn bè, học sinh và bà con thôn bản, chia từng củ sắn lùi, uống cùng dòng nước suối của huyện miền núi Thanh Sơn. Đôi lúc chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng: “Chúng em hát tặng thầy bài Đường cày đảm đang”. Vẫn nụ cười, sự chân tình cởi mở và tình yêu nghề, lúc nào thầy cũng coi trường là nhà, coi học sinh như chính con em mình, gắn bó, bám trường, bám lớp. Sự nghiệp giáo dục vẫn cần lắm người thầy giáo vừa có “Tâm” có “Tầm” lại có “Tình” như thầy - người con của Làng Cò. Sắp kỷ niệm 20 năm mái trường THCS Thắng Sơn, bao kỷ niệm lại ùa về. Mở từng trang nhật ký đời thầy, thầy đọc cho chúng tôi nghe 2 câu thơ mà bạn bè viết tặng thầy trong nhật ký lúc vào nghề: “Ra về bẻ lá cắm đây/ Nữa mai ta nhớ chốn này ta qua”.
Nguyễn Thị Thanh - Giáo viên Trường THCS Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn